Balanced scorecard là gì?

Nhiều người khi mới tiếp cận “Balanced scorecard” thường thắc mắc: “Balanced scorecard nghĩa là gì?”. Cụm từ “ balanced scorecard” xuất phát từ Mỹ, nếu dịch sang tiếng Việt, e rằng khó tìm được cụm từ tương đương hoặc nếu có thì có thể gây hiểu nhầm không cần thiết cho người đọc. Vì vậy, tạm thời chúng ta nên sử dụng nguyên mẫu là “Balanced scorecard”, và gọi tắt là “BSC”.

Vào đầu thập niên 1990, hai Giáo sư Tiến sĩ Kaplan & Norton của trường Đại học Harvard là những người đầu tiên phát triển hệ thống Balanced scorecard. Hai giáo sư đã phát hiện một vấn đề khá nghiêm trọng là rất nhiều công ty có khuynh hướng quản lý doanh nghiệp chỉ dựa đơn thuần vào chỉ số tài chính. Điều này là phù hợp trong quá khứ, nhưng trong thế giới kinh doanh hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải quản lý dựa trên một bộ các chỉ số đo tốt hơn và hoàn thiện hơn.

Chỉ số đo tài chính là cần thiết, nhưng chỉ số này chỉ cho chúng ta biết điều đã xảy ra trong quá khứ, nơi mà hoạt động kinh doanh đã xảy ra. Chỉ số tài chính không cho chúng ta biết vấn đề gì sẽ xảy ra ở phía trước và trong tương lai hoạt động doanh nghiệp sẽ ra sao. Điều này cho thấy, chúng ta đang điều hành doanh nghiệp tương tự như ta đang lái xe ô tô chỉ bằng cách nhìn vào gương chiếu hậu!

Vậy nói một cách đơn giản BSC là gì? BSC là một hệ thống quản lý, nó giúp cho doanh nghiệp thiết lập, thực hiện, giám sát, đo lường để đạt được các chiến lược & các mục tiêu của mình. Sau khi các doanh nghiệp thiết lập và phát triển các chiến lược, doanh nghiệp sẽ triển khai, thực hiện & giám sát chiến lược thông qua 4 khía cạnh: tài chính, khách hàng, quá trình hoạt động nội bộ, học tập & phát triển. Bốn khía cạnh này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa doanh nghiệp thành công và doanh nghiệp thất bại. Bốn khía cạnh này có thể được diễn giải đơn giản như sau:

Tài chánh: doanh nghiệp đo lường và giám sát các yêu cầu & các kết quả về tài chính

Khách hàng: đo lường và giám sát sự thỏa mãn khách hàng và các yêu cầu về các kết hoạt động đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của khách hàng.

Quá trình nội bộ: đo lường & giám sát các chỉ số và các yêu cầu của các quá trình trọng yếu trong nội bộ doanh nghiệp hướng đến khách hàng

Học tập & phát triển: tập trung vào cách thức doanh nghiệp giáo dục & đào tạo nhân viên, nâng cao kiến thức và cách thức doanh nghiệp đã sử dụng các kiến thức này để duy trì lợi thế cạnh tranh trong thị trường.

Hai Giáo Sư Kaplan & Norton đã mô tả đơn giản mô hình BSC như sau (hình 1):

Các tính chất của mô hình BSC:

Từ mô hình trên, nếu xem xét tính thời gian từ dưới lên trên, chúng ta thấy rằng: ví dụ lợi nhuận đạt được tại thời điểm hiện nay của tổ chức, thực sự là kết quả của những điều đã được tổ chức thực hiện tại tháng trước, quý trước hoặc năm trước. Nếu một số các kỹ năng mới, kiến thức mới, hiện nay doanh nghiệp đưa vào áp dụng thì có thể sẽ tạo ra các kết quả tài chính và sự hiệu quả vào năm tới.

BSC bao gồm các khía cạnh nội bộ ( khía cạnh quá trình nội bộ rất quan trọng với mọi doanh nghiệp) lẫn khía cạnh bên ngoài (khía cạnh khách hàng cũng cực kỳ quan trọng với doanh nghiệp)

BSC hàm chứa các mối quan hệ nhân quả giữa các khía cạnh (hình 2):

Để thành công khía cạnh tài chính : doanh nghiệp cần phải thỏa mãn khách hàng để họ sẽ mua sản phẩm/ dịch vụ của mình, đồng thời doanh nghiệp cũng phải nâng cao hiệu quả về tài chính bằng cách cải tiến vượt trội các quá trình nội bộ quan trọng trong doanh nghiệp

Để thỏa mãn khách hàng: doanh nghiệp cần cải tiến vượt trội các quá trình tác nghiệp nội bộ để sản phẩm/ dịch vụ sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng

Để cải tiến các quá trình nội bộ: doanh nghiệp cần phải học tập & phát triển những điều cần thiết để phục vụ cho các quá trình nội bộ & khách hàng.

Mối quan hệ nhân quả BSC:

Tóm lại: BSC là một hệ thống quản lý nhằm thiết lập, triển khai thực hiện và giám sát việc đạt được các chiến lược, các mục tiêu của tổ chức một cách khoa học. Đồng thời BSC cũng đo lường đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức trên cơ sở 4 khía cạnh: Tài chính, khách hàng, các quá trình nội bộ, học tập & phát triển. Từ đó giúp tổ chức phát hiện ra các cơ hội cải tiến & đột phá nhằm đem lại sự thành công & phát triển bền vững ở hiện tại và tương lai trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Việc đánh giá định kỳ sự mạnh / yếu của một tổ chức nên dựa vào 4 khía cạnh nêu trên, điều này cũng tương tự như chúng ta tiến hành khám sức khỏe định kỳ cá nhân, phải được các bác sĩ đánh giá dựa trên một bộ chỉ so đo hợp lý nhằm tránh các chẩn đoán nhầm lẫn khi chỉ dựa trên một vài chỉ số đo không phù hợp.

(Sưu tầm)

go top