THẺ ĐIỂM CÂN BẰNG

THẺ ĐIỂM CÂN BẰNG

Tác giả: Robert S. Kaplan & David P. Norton
Dịch giả: Lê Đình Chi & Trịnh Thanh Thủy
Nhà xuất bản: PACE & NXB Trẻ

Khảo sát của Vietnam Report tháng 1/2009, công bố những con số ấn tượng liên quan đến 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp. Đó là có 7% đã áp dụng và 36% đang có kế hoạch áp dụng Thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard - BSC). Đây là những thông tin đáng mừng bởi qua đó cho thấy sự chủ động trong chuẩn hóa và hiện đại hóa về cơ bản quá trình quản trị chiến lược và quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc các doanh nghiệp tiếp cận các phương pháp khoa học quản trị hiện đại không chỉ dừng lại trên lý thuyết sách vở mà thông qua những ứng dụng trong thực tiễn tổ chức và điều hành, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hội nhập và có đủ năng lực cạnh tranh với thương trường toàn cầu.

Được Tạp chí Harvard Business Review đánh giá là 1 trong 75 ý tưởng có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX, “Thẻ điểm cânbằng” là một phương pháp nhằm chuyển tầm nhìn và chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu cụ thể, những phép đo và chỉ tiêu rõ ràng bằng việc thiết lập một hệ thống đo lường hiệu quả trong quản lý công việc. “Thẻ điểm cân bằng” (BSC)là kết quả của một công trình nghiên cứu bắt nguồn từ năm 1990 khi Học viện Nolan Norton, bộ phận nghiên cứu của KPMG, một trong bốn công ty kiểm toán quốc tế hàng đầu, trụ sở chính của KPMG quốc tế ở Amstelveen, Hà Lan), bảo trợ cho một cuộc nghiên cứu đa công ty trong thời gian một năm với đề tài “Đo lường hiệu suất hoạt động của tổ chức trong tương lai”. Với nhận thức rằng cách thức đo lường hiệu quả hoạt động của tổ chức doanh nghiệp dựa trên các thước đo về  tính toán tài chính đã lỗi thời và đang gây khó khăn cho tổ chức trong việc tạo ra những giá trị kinh tế mới cho tương lai, David Norton, người phụ trách dự án và Robert Kaplan, cố vấn chuyên môn cùng với đại diện hơn chục công ty từ lĩnh vực sản xuất và dịch vu đã cùng nhau bắt tay nghiên cứu, tìm kiếm mô hình đo lường hiệu quả hoạt động mới. Sau nhiều cuộc thảo luận, nghiên cứu, thể nghiệm thí điểm mô hình “Thẻ điểm cân bằng” đã được định dạng với 4 khía cạnh cấu thành riêng biệt là: tài chính, khách hàng, quá trình kinh doanh nội tại, học tập và tăng trưởng. Và tháng 12/1990, kết luận của nhóm nghiên cứu đã chứng minh được tính khả thi và những lợi ích của hệ thống đo lường cân bằng này.

Tập sách “THẺ ĐIỂM CÂN BẰNG - Biến chiến lược thành hành động” (THE BALANCED SCORECARD - Traslating trategy into action) của Robert S. Kaplan và David P. Norton là một tác phẩm đúc kết thành tựu của dự án này. Với 12 chương và phụ lục hướng dẫn cách thức xây dựng một thẻ điểm cân bằng, tác phẩm trình bày một cách hệ thống quan điểm, mục đích, tầm quan trọng của việc sử dụng các thước đo để quản lý chiến lược kinh doanh cũng như cách thức xây dựng và ứng dụng thẻ điểm cân bằng trong việc đo lường hiệu quả và hoạch định chiến lược cho một doanh nghiệp. Tác phẩm cũng cho thấy từ những kết quả nghiên cứu những ngày đầu, mô hình Thẻ điểm cân bằng đã nhanh chóng phát triển rộng rãi và phổ biến như là một công cụ, phương pháp, hệ thống quản lý chiến lược ở nhiều tổ chức. Và những Tổng giám đốc có quan điểm cách tân thường sử dụng Thẻ điểm cân bằng không chỉ làm rõ và truyền đạt chiến lược mà còn để quản lý chiến lược. Thẻ điểm cân bằng đã phát triển từ một hệ thống đo lường được cải tiến thành một hệ thống quản lý cốt lõi, tạo nên những sức mạnh và giá trị vô hình làm nền tảng cho năng lực cạnh tranh cho các tổ chức và doanh nghiệp trong tương lai.

go top